Nhưng chung quy, không có chuyện gì khác ngoài chuyện học hành và bài vở. Bức tường “cách ly, tránh xa” cũng dần dần trở nên mỏng manh. Phải chăng đây gọi là bình thường hoá quan hệ mà trong sách Lịch Sử hay nhắc tới.
Một đứa bạn có học lực tương đương và đồng đều với bạn thường khi đã thắc mắc thì toàn vấn đề hóc búa, bạn phải cố gắng kéo các phần tử chất xám ham chơi trong não bộ về, tập trung tối đa mới làm được.Đó là sự thật giữa học lực mấy môn Tự Nhiên của tôi và Dung. Còn với môn Anh Văn thì tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ đồng vai phải lứa với Dung. Hỏi câu gì cô nàng trả lời ngay câu đó. Giải thích cặn kẽ từng chút một nên ngay cả đứa đầu đất với ngôn ngữ Phương Tây như tôi dù muốn hay không cũng khai sáng được ít nhiều. Và tôi cũng không làm phiền Dung lắm vì tôi còn bà cô khó tính luôn chờ thằng học sinh nộp bài mỗi khi ra về.
**************
- Hồi đó hoá ra mày gian như vậy!
Thằng Hưởng từ tốn nhấp ngụp cà phê đen đặc, kết luận một câu sau khi nghe tôi kể lại thời xưa, tôi “bịp” chúng nó như thế nào.
- Ờ thì, cũng thế cả thôi!
- Học ngu còn sĩ!
- Bố mày không sĩ thì dám mày có được điểm trung bình môn Anh Văn không!- Tôi đặt ly trà gừng nóng cái cạch lên dằn mặt thằng bạn!
- Anh mới đi vệ sinh chút thôi mà các chú đã cãi nhau loạn xà ngầu rồi!- Thằng Kiên lấy khăn giấy lau cặp kính cận dày gấp rưỡi so với năm nó học mười hai lên lau lau.
- Cãi cái đếch gì, hồi xưa nó bày anh văn cho mình là vì có hai cao thủ trợ chiến!- Thằng Hưởng mách lẻo lại.
- Thế à, tao cũng nghi nghi, cái thằng cây mọc trên đầu với English mà tự nhiên lại khá đột xuất như vậy!
Tôi khoan thai đưa ly trà gừng nhấp vào miệng thưởng thức lời bàn tán. Ly trà nóng vị cay nồng dường như xua tan không khí khói bụi Sài Gòn vào mấy năm sau, kể từ cái thời chúng tôi học phổ thông đến nay.
**************
Đúng như hai thằng bạn tôi nói, kể từ lúc có hai vị cao thủ Anh Văn xuất hiện, mỗi lần đến tiết Anh Văn tôi không phải tự ti cúi gằm mặt mỗi khi Thầy kiểm tra bài cũ, hoặc gọi lên bảng giải bài nữa. Mỗi lần như thế, tôi ưỡn cao ngực, ngẩng cao đầu nhìn lên thế gian ngạo nghễ. Đó là thành quả với việc tôi trờ thành học trò của Yên, và đối tác của Dung.
Tần suất tôi tiếp xúc với Yên tăng chóng mặt. Từ lúc mang danh phận mới, ngoài việc trao đổi kiến thức, tôi và cô nàng tán nhảm mọi thứ trên đời, linh tinh vớ vẩn, chỉ cần câu chuyện đó có điểm gì nổi bật, hoặc chung chung giữa hai đứa.
Hễ đi học buổi sáng là lại ra nhận đề và bài giải hôm trước để đọc lại những ghi chú dưới những chữ cái đẹp và gọn, sau đó sẽ là những câu chuyện phiếm.
- Ấy có ghi lớp tớ tội gì không thế?
- Đoán thử xem có tội gì không?
- Chắc không đâu nhỉ?
- Thứ tư, Tín không đeo huy hiệu Đoàn, thứ sáu, Tín không đóng thùng, Phong không phù hiệu trường.
- Ấy dễ thương thế chắc độ lượng lắm ấy nhở?- Tôi giở dọng nịnh nọt, đồng thời coi như một lời tán thưởng.
- Còn tuỳ thái độ!- Yên mỉm cười, có chút gì đó láu lỉnh.
Hoặc:
- Hôm qua mới nghe bài này nè!
- Bài gì vậy?
- Take me to your heart!
- Lâu rồi mà!
- Ờ thì giờ mới nghe, cũng hay hay!
- Tín hiểu hết hả?
- Không, thấy nhạc hay hay thôi!
Và những lần như thế, ở cái ranh giới chung không ai để ý, bắt đầu thu hút lượt quan tâm của từng lữ khách rảnh rỗi tản bộ trong các giờ giải lao. Và cái tuổi học trò lắm điều thì việc gán ghép tôi và Yên là không tránh khỏi, dù nó vốn có từ trước, khác nhau là giờ mãnh liệt hơn thôi.
- Nó tán Yên lớp mình kìa!
- Thằng lớp bên cạnh!
- Con trai lớp mình chết hết hay sao mà để thằng khác nó cướp báu vật của lớp mình vậy.
Nghe những câu như vậy thì mặt tôi đỏ lừ lừ, nhưng khoan khoái trong lòng. Rõ ràng tôi đã đánh bại tất cả các thằng rắn mặt ở lớp bên để chiếm trọn sự quan tâm của Yên. Hoá ra mình cũng được ấy chứ nhỉ.
Nhưng sự đời có khen thì có chê, có ca ngợ thì không thiếu những lời đàm tiếu:
- Sao Yên lại quen thằng đó nhỉ, nghe nói nó nghịch như giặc ấy mà!- Tôi hơi nhăn mặt khi tiếng xì xào lướt qua.
- Sao bảo nó quen Dung lớp nó mà, giờ bắt cá hai tay à!
- Ơ, thằng Tín lớp mình lại quen bạn khác à, Dung đâu rồi?
Mỗi lần những đứa đóng vai phản diện thốt lên câu như vậy là tôi lại lầm lũi, tìm cách lặn mất tăm trong những câu chuyện với Yên rồi từ từ rút lui về lớp. Gì chứ bắt cá hai tay, nghe nó đau đớn vô cùng, độ sát thương của câu nói có khi còn hơn những cú đấm, cái đá thông thường ấy chứ.
Thời gian càng về cuối năm thì không khí nô nức càng đến gần. Ngoài kia các bậc phụ huynh có thể kêu than lúc trở về nhà khi giá cả gần Tết tăng vọt, thì ở trường chúng tôi cũng chỉ biết than đồng thanh với nhau, kiểu như những người cùng khổ. Càng đến sát kì thi, càng nhiều thứ mà mình không nắm rõ, hoặc đột nhiên không chắc chắn lắm. Lại lục đục hỏi bài nhau, lôi sách lôi vở ra nghiên cứu lại. Đứa nào đứa nấy mắt cũng thâm quầng nhìn như mắt cú, di chứng của những lần thức đêm.
Hai tuần trước khi thi học kì là những buổi tổng kết, rồi thoáng cái chỉ còn lại một tuần, những tiết giảng dạy được thay bằng tự ôn, tự học trong lớp. Các lớp học thêm treo bảng tạm nghỉ cho học sinh ôn thi học kì.
Điều đó đồng nghĩa với việc một ngày tôi và Yên bị cắt giảm một nửa thời gian gặp nhau. Chính vì thế, hễ không tham gia vào các buổi ca- rô giải trí, hoặc kể truyện ma dài kì trong lúc rảnh rỗi là tôi lại phóng đến cái ban công ranh giới để nói chuyện với Yên. Và Yên cùng ý nghĩ như tôi, luôn đứng đó đợi sẵn. Không ngượng ngùng, không chút gì phải e ngại, hai đứa tôi tự nhiên trò chuyện và quên hết toàn bộ xung quanh. Dường như chỉ những lúc như vậy, tôi mới được cười nhiều hơn thì phải. Nụ cười ở đây không phải là cười hềnh hệch trước những trò quái đản của lũ bạn, cũng không phải cười xã giao khi đáp lại ai đó không thân, không phải nụ cười để làm vừa lòng một cách giả tạo . Nụ cười có chút gì đó le lói hạnh phúc.
CHAP 49: HỌC QUÂN SỰ!
- Yahoo….!
- Mai Ya Hee!
Đó là những tiếng hú hét của đám bạn tôi khi ngày đầu tiên gặp lại sau kì thi cuối kì. Chúng nó vui vẻ như kiểu Tết đã đến rồi vậy. Thi xong, ai mà không vui, nhưng tôi khác tụi nó, không muốn thể hiện ra mặt, hoặc tác phong người lớn đưa bàn tay ra ngăn cản tôi hoà vào đám đông hò hét có phần thái quá kia.
Cái chuyện cho khối mười hai thi đề chung, rồi thì chia số báo danh nhằm tăng cường kinh nghiệm cho học sinh cọ xát, phòng tránh việc thi cùng lớp sẽ chỉ bài hoặc nhìn bài, làm những điểm số quá năng lực lừa dối học sinh ỷ lại. Nhưng trong mắt tôi, đó chỉ là việc làm mất thời gian không hơn không kém. Cả đời chỉ sử dụng phao thi là môn Văn trong các bài một tiết nên tôi không quan tâm lắm đến việc nhìn bài ai đó ở những môn khác trong thi cuối kì. Còn môn Văn cuối kì thì tôi cứ phịa ra, coi như phó mặc cho trời đất.
- Làm bài sao mày?
- Ổn không, nhắm điểm chác bao nhiêu?
Đó là những câu hỏi mang tính tự phát, hoặc của những đứa chỉ biết học và so điểm với bạn bè. Đa phần chẳng ai muốn nhắc tới những chuyện đã qua, vì thế nó nhanh chóng chìm vào dĩ vãng.
Thi xong cuối kì là khoảng thời gian cực kì sung sướng của đời học sinh. Các thầy cô cũng không dạy nhiều lắm, chủ yếu là các giờ tự quản và tự học. Nên sơ đồ lớp xáo trộn đến mức kinh ngạc. Tôi, khi thì ngồi bàn đầu, khi thì tót vào góc lớp, lắm lúc ngồi vào bàn đầu. Khi thì ngồi cạnh Kiên cận đánh ca- rô , khi thì ngồi cùng Phong mập vẽ hình bậy bạ. Nói chung là muôn hình vạn trạng. Chỉ có một điều, chí ít phải cách Dung một khoảng cách an toàn. Đó là tâm lý chung, dù cho quan hệ có dấu hiệu bình thường, hậu chia tay.
Ngày đầu mới là chuyển chỗ, những ngày sau học sinh được đằng chân lân đằng đầu, mang cả bài, cờ vua, cờ cá ngựa lên sát phạt nhau. Những kẻ chiến thắng thì lâng lâng trong hơi men nước mía, những kẻ thua thì đau khổ móc ví ra tính tiền trong tiếng cười sỉ nhục của đám bạn. Những đứa nào không chịu nổi không khí ồn ào náo nhiệt thì ra hẳn ban công mà ngóng gió, ngóng mây.
Và Yên là người ra ban công, chắc hẳn lớp bên cạnh cũng ồn ào không kém lớp tôi.
- Ê, Tín, ngon nhào vào đây kiếm nước mía mày!
- Tao sợ mày chắc.
- Không sợ thì vào đây.
- Không sợ nhưng để khi khác!
- Thằng nhát chết.
Nếu là bình thường, tôi sẽ chẳng để tụi bạn sỉ nhục mình như thế, nhưng trong đầu óc tôi lúc này những quân bài tiến lên bích chuồn rô cơ kia không thẻ cuốn hút bằng những câu chuyện vô chủ đề với Yên.
- Tình cờ ghê!
- Thật không…?
Tôi gãi đầu và đi sát lại bên cạnh, cũng bày đặt nhìn trời nhìn mây. Cố làm ra dáng rằng tôi cũng tình cờ khi trốn những tiếng ồn ào trong lớp vậy.
- Cái gì thế?
Tôi ngơ ngác nhìn bàn tay Yên xoè ra trước mặt mình, không hiểu cô nàng đang giơ tay xin hay đòi cái gì nữa.
- Bài giải đâu?
- Ơ, mới thi xong.
- Không, cấm có cãi cô giáo!
- Ơ, thì…nghỉ ngơi chút đi Yên!- Tôi xuống giọng năn nỉ.
- Không, vậy Tín học chỉ để thi học kì này thôi à!
Ý Yên nói có phần sẽ kèm tôi suốt năm mười hai môn Anh Văn. Tất nhiên là phải vui mừng rồi, nhưng bệnh lười là bệnh nan y khó chữa, thích thì bộc phát mọi lúc mọi nơi.
- Bạn kiếm Yên hả?
Lợi dụng cô nàng quay mặt lại nhìn xem ai kiếm mình là tôi tọt hẳn vào lớp, chẳng dám ngoái đầu nhìn lại, sợ mình phải bắt gặp ánh mắt nhăn nhó vì cậu học trò lười biếng. Tôi gia nhập vào sòng kiếp đỏ đen.
Đánh bài tính điểm là một trò chơi giết thời gian, nhưng càng về sau càng biến tướng một cách điên cuồng. Ban đầu còn chiến hữu nhìn nhau cười, càng về cuối thì càng gay gắt, mặt thằng nào thằng đấy nhìn nhau gầm ghè.
- Đánh con ba đi kìa!- Tiếng nhắc khéo bên ngoài vang lên là tôi điên hết cả người.
- Có thằng ngu mới đánh con ba, từ ba tới tám này!- Tôi chẳng thèm nhìn lại, phán một câu chuẩn không cần chỉnh, rồi quay lại hối thúc tụi bạn đánh tiếp. Mặt thằng nào thằng đấy đờ đẫn ra, y như chuẩn bị đầu hàng tới nơi.
- Đánh đi mày, lâu quá!
Mặt tụi bạn đơ hơn cả cây cơ, làm tôi quay lại nhìn kẻ vừa nhắc bài với tâm trạng bất an.
Hỡi quỷ thần thiên địa, ông Thầy dạy Sử đứng nhìn qua song cửa sổ, vừa nhắc tôi đánh con ba, và cũng là người mà tôi đã chửi ngu một cách vô thức.
- Em…..m, em………!- Tôi cứng đơ lưỡi, cổ họng khô và đắng ngắt.
- Hình như mình đánh bài hơi tệ!- Nói rồi Thầy lặng lẳng bỏ đi.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
- May hú hồn, mày ngon thiệt, dám chửi cả thầy!
- Phù, hú hồn ông địa!- Thằng Hưởng quệt mồ hôi rịn ra trên áo.
Còn tôi mặt cứ đần ra, chẳng hiểu rằng Thầy có tự ái vì bị thằng học trò chê đánh bài dở không nữa. Bọn bạn thì cười sằng sặc, còn tôi thì cứ cầm nguyên những lá bài trên tay mà không động đậy được chút nào. Cuối cùng, sòng bài giải tán vì sợ sự việc tái diễn.
- Ê mày, qua bên sòng cá ngựa đi!
- Thôi, cái trò con nít ấy mà, chơi làm gì!- Tôi gỡ cái tai phone đang ầm ỹ nhạc, đờ đẫn nói với thằng Phong.
- Vậy tao chơi, con với chả nít.
Sòng cá ngựa thì khác gì sòng bài đâu, nhưng chí ít nó không phải là danh sách đen những trò bị cấm lưu hành tại trường học. Bởi vì trong đầu những nhà quản lý giáo dục, bài thì luôn đi kèm với bạc, tức là có máu ăn thua. Còn cờ cá ngựa thì được coi là trò chơi trí tuệ, giải trí, mặc dù nó cũng xoay quanh những con xúc xắc đầy may mắn cả. Tôi người lớn, không thèm chơi trò con nít, kệ thằng Mập, muốn đi đâu thì đi.
Ấy vậy mà, có người lớn hơn tôi cũng chơi cái trò đó. Tôi dụi mắt ngạc nhiên vì nụ cười tít mắt khi cô bạn tóc ngang vai sung sướng đá con ngựa của thằng bạn cùng lớp về chuồng. Bình thường làm gì có vụ này.
- “Đùa à, Dung mà cũng tham gia cái này à?”.
Không đùa, Dung còn tỏ ra là một cao thủ nữa cơ, khi những con ngựa của cô nàng lần lượt hất văng những con chiến mã khác màu của lũ bạn về chuồng liên tục. Phong Mập ôm đầu kêu khổ, vì trên vòng đua , chưa con ngựa nào của nó còn hiện diện.
- Nhìn Dung à…?- Nguyệt bắt quả tang tôi.
- Đâu có!
- Còn chối, cậu toàn chúa chối quanh.!
- Ờ…thì, thấy lạ thôi!- Tôi nhún vai thừa nhận.
Nguyệt ngồi đọc mấy cuốn báo hoa học trò, chắc là do thằng Vũ mua tặng, từ tốn nói tiếp với tôi:
- Thấy Dung tự nhiên và vui hơn chứ gì!
Đúng là con gái, tinh tế nhạy bé, chẳng gì có thể qua mặt được. Tôi đành tiu nghỉu, im lặng thừa nhận.
- Vậy là sau khi chia tay cậu bạn tôi đây, Dung vui hơn, hoà đồng hơn à?
- Ơ…!
Tôi muốn phản kháng lại lời cáo buộc của Nguyệt, nhưng phải im lặng, bởi đó là sự thật. Dung bớt một chút vẻ cứng nhắc thì phải. Hiển nhiên tôi dù có mù quáng bào chữa, vớt vát một chút thể diện đi chăng nữa thì không thể nào tự đánh lừa mình được. Sự thoải mái của Dung là sự thật, và nó xuất hiện trở lại sau khi quen tôi cũng là sự thật.
Và những ngày sau, những ngày học sinh tự quản, tôi dù vô tình hay chú ý thì vẫn thỉnh thoảng thấy Dung hoà đồng hơn với bạn bè, cười nhiều hơn, không câu nệ nội quy hay nguyên tắc như trước. Nhưng đổi lại cũng chỉ là những lần tặc lưỡi thôi kệ, ít liên quan tới mình, dù trong lòng cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng nó cũng chỉ là phút chốc thoáng qua, những cảm giác đó bị những câu chuyện phiếm, những nụ cười, cái vẻ dịu dàng của Yên xoá xạch. Nói chung đó là sự khó chịu vu vơ.
Chuỗi ngày ăn nằm, chơi hò hét của chúng tôi cũng được khép lại với việc Thầy chủ nhiệm họp lớp cuối năm một cách bất ngờ. Cả lũ im phăng phắc khi cuốn sổ điểm của lớp được Thầy đặt xuống bàn giáo viên.
Điểm trung bình từng người được xướng lên một cách nhanh chóng.
- 7,7!
Đó là điểm trung bình của tôi, cũng không đến nỗi tệ như tôi nghĩ! Sau khi thằng Hải nhởn nhơ phát từng phiếu điểm cho từng người, cái làn sóng vì điểm chác một lần nữa lại được trao đổi một cách ồn ào.
- Ái chà, Anh Văn tớ được gần bảy nè Nguyệt!
Tôi mừng ra mặt, khoe luôn thành tích mà tôi đạt được trong cái môn tôi đầu đất chắc từ khi sinh ra, đầu đất bẩm sinh. Nhưng nhờ có Yên và Dung, nó được cải thiện một cách đáng kể. 6.8 cũng không phải là quá tệ với một thằng cơ bản còn liêu xiêu.
Bỏ mặc đám bạn thân, tôi dò sang cột điểm của Dung như một thói quen. Cột anh văn thì khỏi nói rồi, gần chạm ngưỡng 8.5, trong khi các môn tự nhiên cũng suýt soát ngang ngữa với tôi chứ có ít đâu. Tôi lắc đầu lè lưỡi khi điểm tổng kết của cô nàng đạt gần tám chấm.
- Ế, anh văn tao được sáu nè!- Thằng mập mừng quýnh lên, chắc có lẽ với nó sáu điểm cũng là một kì công lớn rồi. Tương tự như nó, mấy thằng bạn tôi anh văn cũng vượt qua tầm sáu. Coi như không uổng công tôi trung gian chuyển lời chỉ dẫn của Yên cho tụi nó.
Hạng của lớp tôi được chia ra khá rõ ràng, công sức của Thầy chủ nhiệm đã sắp xếp theo thứ tự điểm trung bình. Hạng đầu thuộc về lớp phó học tập lớp tôi, trung bình trên tám chấm. Nếu không phải vướng môn thể dục thì cô nàng chắc ẵm luôn thành tích học sinh xuất sắc cũng nên.
- Thảo nào mắt kính dày thế!- Tôi lầm rầm trong miệng.
Hạng thứ hai thuộc về thằng Hải, nó đồng đều tất cả các môn nên điểm trung bình khá cao. Hạng ba thuộc về Dung, không có gì phải bàn cãi. Tôi rớt ra khỏi nhóm năm sao của lớp. Thành tích chỉ là áp sát chứ chẳng nhỉnh gì hơn. Điểm mấy môn khác thấp hơn các khối tự nhiên nhiều. Nhưng chí ít nó cũng làm tôi tạm thời hài lòng. Sau tôi, thằng Vũ và thằng Kiên cũng phả hơi nóng với vị trí thứ bảy và thứ tám. Riêng thằng Phong thì nó nhảy cóc bảy bậc so với năm mười một khi cán đích ở vị trí thứ hai mươi chín, và nó tự coi đó là thành tích đáng tự hào.
-------------------------
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.giaitri.pro. Chúc bạn có những giây phút vui vẻ.
www.giaitri.pro – Wapsite giải trí miễn phí đích thực trên di động...!
-------------------------
- Cả lớp trật tự nghe thầy thông báo!- Thầy chủ nhiệm ổn định tình hình.
Cả lớp nuối tiếc rời cái bảng điểm, chú ý lắng nghe.
- Vậy là coi như kết thúc học kì một năm mười hai. Thời gian không còn nhiều nữa nên các em ráng ôn luyện kiến thức từ bây giờ. Tập trung chú ý học hành.
- Dạ!- Cả lớp đồng thanh.
- Bắt đầu từ tuần sau, các em sẽ đi học quân sự. Một tuần hai buổi vào các chiều thứ năm và thứ bảy. Do hai lớp lịch học tương tự nhau nên lớp chúng ta sẽ học chung với 12A10.
Lần này thì cả lớp bắt đầu xì xào bàn tán. Đứa nào nghe đến quân sự cũng nghĩ ngay đến súng ống, xe tăng boom mìn, riêng tôi thì chỉ biết đến cụm từ học chung với lớp 12A10.
- Học quân sự à, tao khoái à nha!
- Súng ống, boom mìn, nghe cũng được!- Thằng Kiên cận gật gù.
- Tao thấy anh tao hồi đó học có đẽo quả lựu đạn gỗ trông oách lắm!- Thằng Long con cung cấp tin tức.
Tôi ngồi im lặng nghe tụi nó tán phét với nhau, không tham gia. Gì chứ riêng học quân sự với tôi nó không quan trọng. Có được quăng lựu đạn thật cũng chả ham, chứ nói gì đến ba cái thứ lựu đạn gỗ. Cái tôi hứng thú là viễn cảnh tôi được học chung với Yên, khi hai lớp chung lịch.
- Ế, Tín, về thôi mày!
- Ờ..về giờ!
Mong rằng cho đến tuần sau, mong rằng cho đến tuần sau. Tuần sau.
Bước ra khỏi lớp, Yên đứng chờ tôi sẵn.
- Báo cáo, trò được 6,8 môn Anh Văn!
- Vậy à?
- Sao vậy, không vui cho Tín à?- Tôi ngạc nhiên hỏi?
- Có chứ, nhưng điểm số này sang học kì sau ráng nâng cao lên nữa!- Yên cười, coi như đó là một lời hứa dành cho tôi. Và tất nhiên, tôi không còn mong gì hơn. Càng lúc tôi càng cảm thấy mối liên kết giữa tôi và Yên càng rõ ràng.
*******
- Nhắc lại hồi đó tao vẫn còn ức!
- Ức cái gì, hồi đó học quân sự vui thế còn gì!- Tôi uống hết trà gừng, chuyển qua món trà đá miễn phí cho khách trong quán cà phê.
- Hai lớp học chung, cả nhóm ra chạy mười vòng quanh sân trường, nhục thật!- Thằng Kiên càu nhàu.
- Nếu hồi đấy không phải nghe theo thằng nào xúi dại thì đâu có bị Thầy hành cho như vậy- Thằng Hưởng ngồi bên cạnh hưởng ứng.
- Hồi đấy ngu vãi ra!- Tôi cũng phải gật gù.
Ngồi im nhớ lại cái cảnh gần một trăm đứa nhìn cả xóm nhà lá bị Thầy quân sự phạt chạy mười vòng quanh sân trường đến ná thở. Cứ ba đứa về cuối thì bị phạt thêm hai vòng. Thế nên theo châm ngôn bạn thân=thân ai nấy lo, chúng tôi cứ thế mà mở hết sức lực chạy. Đứa nào đứa nấy chạy xong chỉ muốn nằm bệt ra sân trường mà đánh một giấc hồi phục sức lực.
Học quân sự năm 12 là một kỉ niệm đáng nhớ.
CHAP 50: NHỮNG NGÀY QUÂN NGŨ.
Ngày đầu tiên nhập ngũ, cách nói sang trọng của những thằng bạn tôi về việc đi học quân sự, không có khói đạn súng ống xe tăng thiết giáp như trong đầu những thằng hoang tưởng như chúng tôi vẽ ra. Đơn giản chỉ là gặp mặt Thầy, sau đó cả lũ ngồi xếp bằng dưới đất cắm cúi ghi ghi chép chép.
Cơ hội tiếp cận Yên của tôi không nhiều, và tôi không được tiếp xúc với Yên để hiểu thêm về cô nàng trong lớp học như thế nào, có gì khác với những buổi học thêm hay không. Muốn là một chuyện, còn Thầy có cho không là một chuyện khác nữa. Hai lớp cách biệt một khoảng cỡ một mét phân chia ranh giới. Dù cho tôi âm mưu xếp đầu hàng tiếp giáp với lớp bên đi chăng nữa thì khoảng cách đó quá là xa vời.
- Thầy, đọc lại được không ạ!- Tiếng ì èo năn nỉ khi một số đứa không kịp viết những gì Thầy vừa đọc.
Nói là Thầy cho đúng với quy tắc trường học, thực chất đó là một anh Lính cụ Hồ, cấp bậc thì tôi mù tịt có vẻ hơn chúng tôi cỡ năm sáu tuổi. Khuôn mặt hiền hậu và nụ cười nhẹ nhàng luôn nở trên môi. Đúng chất thân thiện của những người lính, và nó vô tình đưa chúng tôi sập bẫy.
- Ế mày, như này có khi tao với mày ra bắn một trận Half- life có khi còn phê hơn nhỉ?- Thằng Phong Mập ngồi ngay sau tôi, vỗ vai, vẻ mặt uể oải thiếu sinh khí.
- Ừ, có khi vậy còn vui hơn- Tôi lầm rầm trong miệng, kiểu như bất mãn với Thầy về việc ngăn cách giữa hai lớp quá xa. Chứ tôi bắn Half- Life thuộc dạng siêu gà, vì thế đã bỏ cuộc ngay lần đầu tiên chơi thử.
- Hay tí nữa chia phe anh em ta bắn thử đi!- Thằng Hưởng phấn khích nói lớn.
- Được đấy, tí hỏi tụi kia xem!
Chẳng cần hỏi, cái xóm nhà lá ngồi cạnh nhau chỉ cần có động tĩnh gì cũng bu lại. Đang trong giờ học mà ngồi chia phe bắt đội ồn ào hết. Tôi thuộc dạng gà mờ nên chỉ ngoái cổ mà nhìn tụi nó bàn tán.
- Mấy em nam hàng thứ ba và cuối cùng đứng dậy!
Mấy thằng tôi đứng dậy, phủi bụi dính ở quần, đứa nào đứa nấy im thin thít. Cả hai lớp nhìn về phía những thằng được triệu tập đột xuất lên.
- Nhắc lại những gì anh, à Thầy vừa nói!
- ……!
- ….!- Thầy có vẻ kiên nhẫn hơn cả chúng tôi!
- “Nhắc lại những gì anh, à Thầy vừa nói”!- Phong mập cố vặn nhỏ tiếng, chỉ để cho nhóm chúng tôi vừa đủ nghe. Thằng nào thằng đấy cố nghiến răng mà nhịn cười.
- Sao, không ai nhắc được à, rồi bước lên đây!
Cấp trên nói thì binh bét phải nghe. Quân luật như sơn, chẳng phải sức mạnh quân đội là sự kỷ luật sao. Gần mười thằng con trai lớp tôi bước lên dàn hàng đưa ánh mắt xuống phía dưới.
- Giờ tất cả chạy năm vòng quanh sân trường, ba người về cuối chạy thêm hai vòng!
- Năm vòng cơ á?- Thằng Hưởng đưa mắt nhìn cái sân trường rộng mà không tin những gì tai mình vừa nghe.
- Em muốn tăng thêm không, vậy thì mười vòng!
Vậy là khỏi trả giá nữa, chúng tôi bắt đầu chầm chậm chạy. Những tiếng cười chế giễu còn vang lại đằng sau lưng. Chẳng sao cả, quan trọng là Yên đã thấy ngày đầu tiên nhập ngũ của tôi như thế nào. Cái đó mới là điều phải bàn.
- Mệt..hộc..chờ tao!- Thằng Mập bắt đầu tụt lại đằng sau khi vòng thứ năm vừa bắt đầu.
- Mày bớt nói thì không mệt đâu!- Thằng Hưởng cũng chẳng thở ra hơi nữa.
Thật là khâm phục ác kế của Thầy khi dùng ba vị trí cuối để chia rẽ nội bộ, tinh thần đoàn kết của anh em chúng tôi. Hình phạt nặng được áp dụng có tính răn đe, đánh phủ đầu gây hoang mang tinh thần, nhằm bóp nát những trò quậy thời gian sau từ trong trứng nước. Và hiển nhiên chúng tôi rõ điều này. Đã thế, còn sợ chúng tôi hổng kiến thức nên cho cả lớp giải lao nhìn chúng tôi chạy, thì càng làm cho chúng tôi thêm mệt.
- Chạy chậm lại rồi nghe tao nói đây!- Kiên cận giảm tốc tụt lại phía sau.
- Hộc, hộc…nói..lẹ lên!- Phong mập chuẩn bị hết chịu nổi, hưởng ứng đầu tiên.
- Không quy định thời gian hoàn tất, rồi chỉ nói ba vị trí cuối đúng không?
- ……!- Lần này thằng nào cũng mệt nên chả đáp lại.
- Vậy thì cứ như này, như này mà làm.
Chúng tôi nở nụ cười, bao nhiêu mệt nhọc dường như được trút bớt một chút. Vẹn toàn, vừa hoàn thành hình phạt, vừa đỡ mất lòng anh em.
Xóm nhà lá bắt đầu hành động. Gần mười đứa nối đuôi nhau sát rạt, nhưng chạy rất chậm. Cách này đỡ tốn sức hơn, lại tranh thủ hít thở dưỡng khí vào buồng phổi, tiếng hộc hộc thưa dần, thay vào đó là tiếng hít thở đều đặn. Dường như cả mười thằng cán đích cùng lúc, và chẳng cần Thầy phân xử, chúng tôi đồng loạt chạy tiếp thêm hai vòng nữa.
Mười hai vòng không dư không đủ. Tôi lấy hai tay giữ hai cái đầu gối tránh ngồi phịch xuống đất trông thảm bại như thằng Hưởng và Phong mập. Linh vẹo ôm bụng mặt nhăn nhó. Nhân đen và thằng Hoàng khá hơn, vươn người cố gắng hít thở đều đặn.
- Rồi, bước vào hàng!
Chúng tôi ngoan ngoãn bước vào hàng, vẻ mặt không có gì là chống đối. Dính thêm một cái án phạt nữa thì sức đâu mà thực hiện. Trong lòng ấm ức vì mình bị làm chuột bạch đưa ra thí nghiệm hình phạt răn đe học sinh.
- Buổi học sau, nhớ mang theo băng để thực hành băng bó. Thầy đã dạy lí thuyết hôm nay, bữa sau sẽ áp dụng. Băng thì các em mua ở các quầy thuốc.
Vậy đấy, bữa đầu tiên làm lính, gây ấn tượng với Yên theo cách tiêu cực mà tôi chẳng mong chờ.
Những ngày đi học trên trường cũng chỉ là những buổi tự học không hơn không kém. Lớp học thêm vẫn đóng cửa, tính ra chỉ có học quân sự là đáng lưu ý.
Buổi thứ hai thì đỡ nhàm chán hơn, ít nhất chúng tôi cũng không phải ngồi xếp bằng mà nghe những lí thuyết từ Thầy nữa. Thực hành đồng nghĩa với tay chân được hoạt động, và cũng được chọn vị trí một cách tự do.
- Các em chia nhau ra băng bó, nhớ các quy tắc về cách đặt, và cách băng theo hình búp măng!
Vẫn giọng anh Lính trẻ nhắc nhở. Và hai lớp bắt đầu thực hiện theo.
Tôi không thể đóng vai bị thương cho cô y tá Yên băng bó được. Lớp bên đó đã chia cặp cho nhau hết rồi, và Yên cũng đang cẩn thận quấn băng quanh tay cô bạn cùng lớp. Dù sao tôi cũng không liều mạng để sang bên đó bắt cặp với Yên được.
Khã dĩ hơn là kiếm thằng trong xóm nhà lá chưa có cặp để thực hành. Nhưng thằng Kiên lại không nghĩ vậy.
- Thầy nói chia nhau ra băng bó đúng không….?- Nó nhấc gọng kính cười nham hiểm.
- Mày nhé Phong?- Tôi chỉ tay!
- Điên, sao lại là tao!
- Thế chẳng lẽ là tao?
Cuối cùng theo đa số, chúng nó bắt tôi đóng giả thương binh. Thương binh thì người ta bị thương một bộ phận cơ thể, thương binh này thì cái gì cũng bị thương. Đầu cũng bị, hai tay, hai chân, vai và bụng bị hết. Sau một hồi vật lộn, tuân thủ quy tắc đặt băng và búp măng, gần mười cái băng quấn chặt người tôi, nom chả khác gì xác ướp Ai Cập trở về.
- Các em làm gì đấy?
- Dạ, thực hành!
- Sao không chia cặp ra!
- Dạ, như này cho đỡ tốn thời gian!
Thầy nhìn tôi từ trên xuống dưới, lắc đầu nhìn chịu thua. Có lẽ Thầy không cảm thấy những trò này để phản ứng lại hình phạt hôm nọ. Thông điệp chúng tôi gửi tới Thầy, không khác gì những trò bắt bẻ câu chữ.
- Thầy xem em quấn đúng chưa Thầy!- Thằng Phong mập giả bộ hỏi han.
- Ờ…quấn song song giữa các viền đường băng sẽ đẹp hơn!- Thầy tôi không mặn mà lắm, chắc là biết tỏng ý đồ.
- Vậy ạ, em tưởng ra chiến trường, quấn nhanh và đúng cách là được, còn phải đẹp nữa ạ?
Chẳng ai giả ngu ngơ tốt bằng thằng Mập, nghe câu đó Thầy bỏ sang nhóm khác, bỏ mặc những thằng giặc như chúng tôi thích làm gì thì làm.
Bọn bạn dắt tôi đi hù ma những đứa con gái trong lớp, đồng thời khoe luôn thành quả. Đứa con gái nào cũng giật mình, hét toáng cả lên. Dung nhìn cảnh đó chỉ biết lắc đầu cười trước trò nghịch phá của đám con trai cùng lớp.
- Nghịch quá đi mất!- Yên nói với tôi lúc chạm mặt nhau giờ tan học.
- Vui thế còn gì, nhìn nghệ thuật đấy chứ?
- Giống con nít quá!- Yên mỉm cười.
- Con nít á, con nít có làm được vậy đâu!
- Không nói lại với Tín nữa!- Yên nói rồi vẫy tay chào tạm biệt tôi, tránh mấy ánh mắt dò xét.
- “Con nít á, đùa ấy chứ? Có đứa con nít nào lại để ý âm thầm thế này không?”
Những ngày tiếp theo là không khí chạm Tết, và cũng là những ngày chuyển giao giữa hai học kỳ. Cái không khí Tết cổ truyền rạo rực trong từng hơi thở, từng cử động, nó khiến cho học sinh chai lỳ một chút với kiến thức, thường xuyên xin xỏ được nghỉ ngơi. Cái thời khoá biểu mới rõ ràng chẳng được xem trọng vào thời gian này. Các lớp học thêm mở cửa trở lại, cũng khiến chúng tôi càng uể oải hơn.
Và những ngày học quân sự cũng thay đổi, vẫn anh Lính trẻ, nhưng chuyển sang nội dung khác. Nội dung mà thằng con trai nào cũng hào hứng: vũ khí quân sự, hay nói thẳng ra cái mà chúng tôi sẽ học là súng và lựu đạn.
Mỗi học sinh chuẩn bị một trái lựu đạn gỗ. Thông tin này tất nhiên đã được chúng tôi chuẩn bị từ trước. Riêng thằng Nhân nó còn nhờ Bác nó khắc tên mỗi đứa lên trái lựu đạn. Tôi từ chối ơn huệ đó mà nhờ nó làm riêng cho tôi tận hai trái.
- Mày làm gì lắm thế?
- Ời, hai trái ném cho nó đã!
Nguyệt chụm tay cười khúc khích, vì hiểu rõ cái trái lựu đạn kia là tôi giành cho ai rồi, tất nhiên không phải là ném là đưa tận tay.
Tôi suy nghĩ sâu xa, Yên là con gái, không thể ra ngoài gọt đẽo thành trái lựu đạn từ những khúc gỗ vuông vức hoặc xù xì được. Bởi thế, trái lựu đạn này là giành cho cô.
- Mày có cần tao khắc chữ Y vào đó không?
- Được hở mày?- Tôi hào hứng.
- Ráng cho mày toại nguyện.
Vậy mà Yên toại nguyện trước với quả lựu đạn gỗ của thằng bạn cùng lớp nào đó đẽo cho. Nom nó xù xì vô cùng, không chuyên nghiệp và đẹp như của tôi. Nhưng đẹp mà làm gì khi nó không đến được tay người nhận.
- Vậy là hụt rồi?
- Ờ..!- Tôi lơ đễn nhìn xa xăm, hụt hẫng một chút nên không hào hứng tiếp chuyện với Nguyệt được. Giờ tôi chỉ muốn biết thằng nào đã làm giùm Yên để tôi cầm hai quả lựu đạn chọi cho nó một trận mới hả dạ.
- Kìa, có người còn chưa có đó?
- Ai?
Tôi ngó quanh, cô gái ở dưới tán cây vẫn chưa có dụng cụ để thực hành. Chần chừ, khó xử, hơi nhút nhát. Nhưng Nguyệt cứ thúc đằng sau:
- Cho Dung mượn đi!
- Ơ..ờ..!
- Lẹ đi!
Tôi thảy quả lựu đạn khắc chữ Y to tướng cho thằng Nhân, cầm trái lựu đạn chữ T tiến lại phía gốc cây.
- Nè, cho Dung mượn!- Tôi lơ đễnh đặt trái lựu đạn trên ghế đá.
- …………!
- ……..!
- Cảm ơn nhé, thế còn Tín thì…?
- Yên tâm, yên tâm, nếu Tín không có thì sao Tín cho Dung mượn được chứ?
- Vậy à, dù sao thì..?- Dung nói với giọng hơi buồn.
- Ờ, không sao đâu, bạn bè mà!
Tôi không muốn giữa hai đứa tôi phải vay nợ một cái gì, hoặc cảm kích một vấn đề gì khác. Cái đó thuộc về tâm lý. Đơn giản chỉ là Dung không có lựu đạn gỗ thực hành, còn tôi thì dư một trái. Trái đó cũng chẳng để làm gì, thì tôi cho Dung mượn. Sự việc bình thường, chắc sẽ chẳng ai cảm kích lắm làm gì đúng không?
- Có bao giờ các em nghe tới các loại chất nổ như C4, TNT chưa?
- TNT ạ?- Tôi hỏi ngay, vì đó là Tri Nitro Toluene có trong sách Hoá học.
- Vậy nó là gì?
- Là Thuốc Nổ Tốt ạ!- Cả hai lớp nhìn tôi cười sằng sặc.
- Em mang cái Thuốc Nổ Tốt của em lên đây!
Buổi học hôm đấy, Tôi dùng quả lựu đạn gỗ đáng nhẽ ra là của Yên. Còn quả lựu đạn gỗ của tôi thì được Dung sử dụng. Lũ bạn của tôi sẽ bảo là rắc rối là chuyện tình cảm lòng vòng vớ vẩn gây hại não, là nhùng nhằng giữa cả hai.
Nhưng tôi xác định Yên mới là mục tiêu mà tôi cần đánh gục, hiển nhiên không phải bằng súng ống hay chất nổ.
CHAP 51: NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.
Nếu bạn nghĩ rằng tôi là một thằng con trai đang chơi cái trò đê tiện “bắt cá hai tay” hoặc thoáng hơn một chút là có mới nới cũ. Điều đó đúng với phương diện, dựa trên suy nghĩ của bạn. Cũng như thằng Hoàng nói với tôi:
- Mày tán Yên có cảm thấy nhanh không, quên Dung rồi à?
- Chưa quên hẳn?- Tôi ngậm cái cuống lá trên miệng đáp lời thằng Hoàng.
- Thế sao còn..?
- Ý mày nói là Yên!
Nó ngồi bệt xuống, hai tay để lên hai đầu gối, ánh mắt nhìn xa xa, gật đầu hưởng ứng. Tôi thổi phù chiếc lá xuống dưới đất, không đáp lời nó.
Không phủ nhận, chính cái việc cách ly, hạn chế với Dung là một câu khẳng định, tôi vẫn còn vương vấn tình cảm. Nhưng một thằng con trai, ngay cả trong lòng mình như thế nào cũng không dám đối diện, thì đó là đứa không có sĩ khí. Cách tôi thể hiện và quan tâm Yên, là cách tôi dám làm theo những gì trong lòng mình nghĩ. Bởi vì, Yên có sức hút với tôi, lúc này hơn.
Hai thằng ngó ra khoảng sân đầy nắng chiều, xem mấy đứa con gái trong lớp ném lựu đạn. Những công việc dùng sức với con trai được xem là nhẹ nhàng, thì con gái rất vất vả. Yên vẫn cố gắng trong từng lượt ném, đến khi cái tay mỏi nhừ mới chịu ngồi xuống cái ghế đá dưới gốc cây bên kia nghỉ. Còn Dung thì vẫn cứng đầu, cố ném bằng được cho qua vạch đích càng xa càng tốt.
- Tao thấy Dung được đấy chứ?
- Được? Thì tao có nói là không được đâu.- Tôi càu nhàu thằng bạn, đột nhiên hôm nay nó nghiêm túc một cách kì lạ.
- Vậy sao còn bỏ lỡ?- Nó bẻ ngón tay cái rắc, coi như phương pháp giãn gân giãn cốt.
- Không hợp!
Coong!
Tiếng lựu đạn gỗ rơi xuống va vào sân xi măng một tiếng khô rốc, làm cho cái nắng buổi chiều thêm gay gắt.
- Mày nghĩ là không hợp thiệt à?
- Ờ, người trong cuộc hiểu rõ!- Tôi với tay bẻ một chiếc lá rồi ngậm nó ngang miệng, chẳng biết nó có ý nghĩa gì nữa, hoặc chiếc lá có làm giảm bớt sự nghiêm túc của thằng bạn hay không.