Giao dịch thành công, không ai phản ứng. Ba thằng kéo nhau xuống căn tin bắt đầu cuộc mua bán trao đổi. Phong mập nhấp nháp ly cà phê vẻ khoan khoái, còn thằng Hưởng cũng chỉ là ăn theo thôi nên hồi hộp lẫn tò mò không kém tôi là bao.
- Rốt cuộc mày có kể không Mập?- Thằng Hưởng buông cờ trắng xin hàng trước cả tôi.
- Ờ, nó tên là Quang!
- ………!
- Nó học cấp hai chung lớp với tao và Dung!- Nó từ tốn lạ thường.
- Mày kể nhanh không, không tao cho mày tự tính tiền cà phê à!
Nó đổi tông ngay tức khắc, kể một mạch sạch sành sanh những gì nó biết.
- Ờ, thì nó với Dung gần nhà, kiểu như thanh mai trúc mã.
- Như tao với Nguyệt!
- Chính xác, tương tự thế, bạn đã vượt qua mức hai!
- Rồi sao nữa?
- Thì chắc cũng quý mến nhau, hợp tính nữa.- Nó lại trở về tông giọng đạo lý của thằng Kiên cận.
- Là sao?- Giọng tôi mất bình tĩnh phản ứng lại ngay. Dung hợp tính với Quang, còn tôi bỏ đi đâu.
- Là không như mày, nghịch như giặc chứ sao?- Thằng Hưởng cầm thìa khuấy khuấy ly cà phê sữa.
Tôi phải công nhận rằng so với mặt bằng chung của lớp thì tôi đúng là nghịch ngợm. Nhưng nhờ có thế tôi mới được vào xóm nhà lá chứ, không giặc sao chơi với lũ bạn này được.
- Ờ, tại sao giờ tao mới biết?- Tôi tò mò vì trước giờ chưa bao giờ thấy Quang xuất hiện, trước ngày 20- 11 tới giờ.
- Thì gần nhà, học khác tầng thì cần gì phải gặp trên trường. Nếu mày và Nguyệt học khác lớp thì cần gì ngày nào cũng phải chạy lên nói chuyện đúng không thằng ngu này!
- Ờ, tao ngu, không cãi!- Tôi xuôi xị cái mặt và cũng phải công nhận thằng Hưởng nói đúng. Nếu tôi và Nguyệt mà như vậy, chẳng dại gì tôi mò lên lớp khác chơi cho thiên hạ dèm pha, soi mói.
- Nói chung là tính thằng Quang cũng na ná như thằng Vũ, chăm chỉ, hiền lành, xét về nhan sắc thì ngang nhau- Thằng Phong thay tôi đánh giá tình hình, và có ý gán cho thằng Quang là tình địch của tôi.
- Thế giờ sao nó mới xuất hiện, giải thích coi?- Tôi đâm cáu với việc đề cao kẻ thù, dìm hàng bạn bè thế này.
- Thì có khi tình cảm nảy sinh, giờ bắt đầu tấn công. Nó muốn sát cánh bên người nó yêu vượt vũ môn thì sao? Nó thản nhiên như không.
Hai thằng bạn bắt đầu lái câu chuyện sang chủ đề khác, để mặc tôi suy diễn đủ điều. Cuối cùng, chán nản với tình hình hiện tại, đứng dậy trước hai thằng bạn:
- Tao tính tiền rồi vào lớp trước!
- Uống hết cà phê đi!
- Thì giờ hết nè!- Tôi cầm ly cà phê đen lên tu cái ực, hết sạch trơn.
- Vái mày, tao chịu thua, nhưng mà nhớ là còn một lần nữa nhé!- Thằng Hưởng ăn theo mà nó nhớ dai kinh khủng.
- Hai ly, một thằng một ly, một cộng một là hai.
- Nuốt lời mày, quân tử mà thế à?
- Tao nói tao quân tử bao giờ, dẹp, một là tao trả, hai là thằng nào uống thằng đấy trả.
Hai thằng bạn chịu thua cái kiểu lật kèo đầy tráo trở của tôi, chấp nhận cay đắng hưởng thụ những giọt cà phê cuối cùng miễn phí. Ra khỏi căn- tin, lại chiếc ghế đá quen thuộc ngồi hít thở không khí. Tôi chạm mặt ngay thằng Kiên cận.
Hai thằng nhìn nhau, chẳng thằng nào nói câu gì. Mỗi thằng ôm một cái nỗi khổ riêng. Suy nghĩ miên man, rồi hai thằng nhìn nhau:
- Tao đang chán mà nhìn cái mặt mày thì đâm đầu vào gối chết luôn cho rồi!
- Mày mặt như đưa đám, đi chỗ khác đi thằng khốn!- Nó đáp lại tôi.
Hai thằng quay qua chỗ khác, nhìn về hai hướng, và dường như chưa đã cơn tức lại quay lại nhìn nhau đồng thanh:
- Thằng khốn!
Trống trường vang lên báo hiệu sinh hoạt đầu giờ, hai thằng khốn vác nhau vào lớp. Ổn định chỗ ngồi, và lần nào cũng như lần nào, lục cặp, lục ba lô tìm cái huy hiệu Đoàn, phù hiệu trường ghim vào áo. Một kiểu thoả mãn tính phá cách lách luật của đời học sinh.
- Tín lên bảng!- Tiếng thầy dạy Sử vang lên vào tiết học sau.
Tôi bình thản bước lên bảng trong bao nhiêu tiếng thở phào của mấy đứa khác. Chắc đang thầm cảm ơn tôi vì đã gánh đỡ quả tạ vừa giáng xuống, hoặc là câu giờ cho đứa tiếp theo nhồi nhét được chữ gì hay chữ đấy.
- Tóm tắt sơ lược Quan hệ Quốc Tế từ năm một chín bốn lăm đến nay!
- Chết mày chưa?- Tôi chưa kịp mở miệng thì đám bạn ở dưới đã xì xào cả lên. Đau đớn thay đa số những người nói câu đấy thì chín mươi phần trăm là anh em xóm nhà lá từng sát cánh bên nhau. Câu hỏi này chẳng khác gì tổng kết kiến thức cũ cả. Vì hiện giờ theo lịch học, lớp chúng tôi đã bước đến phần đầu của Lịch sử Việt Nam.
- Dạ, thưa Thầy em trả lời!- Tôi hắng giọng và bắt đầu.
Sau đó một loạt các thông tin tình hình tự nắm bắt, một chút nhớ, một chút thông qua sách vở. Cái gì hiện ra trong đầu thì đọc cái đấy.
- Giai đoạn này chủ yếu được chia làm hai. Trước và sau chiến tranh lạnh. Đồng thời ở mỗi châu lục cũng có nhiều điểm khác nhau. Sau 1945 thế giới phân chia thành hai cực…..
Tôi thao thao bất tuyệt, trình bày hơi lộn xộn nên :
- Tám điểm, về chỗ!
Tôi vênh mặt nhìn đám bạn thách thức. Tụi nó thằng nào cũng bảo:
- Ôi, ăn may thế!
Đi ngang qua chỗ Dung, cô nàng vẫn không nhìn tôi, không có gì là để ý cả. Chẳng phải tôi vẫn học hành đàng hoàng đây sao, chẳng phải Tín đã như những gì Dung muốn ở một người bạn đặc biệt đây sao?
- “Mày ngu quá, học cho mày chứ cho người ta à?”- Tôi tiếp tục bước đều về chỗ ngồi.
- Bạn tiếp theo, mời Long lên bảng!
- Ôi chết tôi!- Tiếng thằng Long con thảm hại vô cùng.
Kết thúc buổi “ cực hình đầu giờ”, cả lớp tôi thở phào nhẹ nhõm thoát nạn. Thằng Bình Boong chẳng hiểu cao hứng thế nào mà lại tuyên bố.
- Tiếc thế, tao học rồi mà không kiểm tra bài gì cả!- Nó giả bộ hậm hực.
- Thật không, thế Bình lên bảng!- Thầy tôi nghe thấy phát ngôn của thằng bạn, dành cho nó suất đặc biệt.
- Thôi Thầy, học đi Thầy!
- Lên bảng!- Thầy tôi chắc giọng, không lay chuyển.
Cả đám chúng tôi cười ra cả nước mắt, nhìn thằng bạn ấp úng trên bảng, mồ hôi toát ra như mưa mặc gì ngoài trời thì se lạnh. Kết thúc cơn ác mộng, thằng Bình lên sổ đầu bài ngồi với hai điểm vì không học bài. Còn chúng tôi thì tranh thủ sỉ nhục nó:
- Hai điểm, thích chơi trội không phải là cái tội!
Thằng Bình đau khổ ngồi im không dám cựa quậy. Cứ hễ nó quay xuống nói chuyện với ai thì đều nhận được một câu tương tự:
- Hai điểm, bách nhục xuyên tim.
CHAP 41: DƯỚI CƠN MƯA!
Buổi học đó có chuyện con hai to tướng của thằng Bình làm niềm vui. Nó thì cứ im thin thít suốt buổi, chẳng dám nhìn ai quá lâu. Hễ nó quay xuống thì anh em xóm nhà lá đều nhếch môi cười đểu, nó lại xị mặt quay lên.
Cả buổi học hôm đó, tôi và Dung dường như chẳng có cơ hội để nói chuyện, hoặc khi nói chuyện cũng chẳng khác gì xã giao. Đôi ba câu à, ừ cho qua chuyện, Dung không muốn kéo dài cuộc nói chuyện thêm dài, và tôi đứng trước Nàng nghiêm nghị như vậy cũng không thể bông đùa mãi chỉ để mua lấy một nụ cười.
- Á, xin lỗi nhé!- Tôi quay sang cười trừ.
- Tông vào con gái mà như trâu bò thế!- Hằng bán chanh ngoa ngoắt nhìn tôi hình viên đạn.
Giờ ra về ồn ào chen lấn, thằng Hưởng chẳng biết sao lại nổi hứng xô tôi vào đám con gái. Như diều đứt dây, tôi văng vào va phải hàng loạt, xui một cái lại va vào hai người tôi có phần uý kị. Đầu tiên là cô bạn giọng chua cao vút và thứ hai là Dung. Ngược với Hằng, Dung im lặng đưa tay ôm lấy cánh tay còn lại, mặt hơi nhăn vì trò đùa quái ác của những thằng con trai.
- Ờ, xin lỗi nhé, tại thằng Hưởng nó xô Tín vào!
Miệng thì xin lỗi Hằng, mắt thì nhìn Dung, vẫn chẳng có gì khác, đôi mắt chỉ dịu đi một phần ít. Rồi lại lặng lẽ ra về.
- Sướng không?- Thằng Hưởng vỗ vai tôi cười toe toét.
- Sướng cái mắt mày, không lẽ tao đạp cho mày một cái!
- Sướng rồi bày đặt hả mày?- Thằng bạn nói rồi vọt ra xa, kể chiến tích nó với thằng mập.
- Thôi, về, chuyện đâu còn có đó, về sớm còn đi lấy khung cửa với tao!- Thằng Nhân đen đi đường sau, đẩy tôi ra khỏi cửa lớp.
Quá bộ hết nửa sân trường, đưa mắt nhìn cảnh học sinh tan học. Ai nấy cũng vội vàng ra về. Hôm nay thứ năm, theo lịch học chỉ có hai tiết nên nắng sân trường vẫn long lanh và dịu. Một ngày đẹp trời chỉ theo đúng nghĩa thời tiết trong cái mùa mưa ở miền đất đỏ bazan này.
Nhưng không phải ai cũng vội vàng quá mức theo số đông, một vài cặp vẫn lững thững vừa tản bộ vừa nói chuyện với nhau. Tôi bắt gặp Yên khi vô tình đưa mắt nhìn ngang. Yên đi cùng cậu bạn học cùng lớp thì phải, có vẻ nói chuyện vui vẻ lắm. Cô nàng dĩ nhiên cũng nhìn thấy tôi, khẽ gật đầu chào rồi tiếp tục câu chuyện với người đồng hành. Một ngày với quá nhiều cảm giác bị bỏ rơi, đâm ra tôi suy nghĩ miên man.
- “Một ngày tồi tệ”.
- Đây, khung của mấy chàng trai, chuẩn kích thước, màu sắc nhé!
Bác thằng Nhân đưa từ nhà ra cái khung gỗ được sơn bóng, mùi thơm còn phảng phất. Ba thằng tôi chỉ có nước nhìn mà suýt xoa.
- Chuẩn rồi Bác ơi, đẹp quá!
- Ừ, Bác làm đúng kích thước rồi, mấy đứa chỉ cần đưa báo tường, nẹp lại hoặc đóng đinh cho chắc là được.
Vậy là xong cái khung nghệ thuật cho báo tường. Ba thằng tôi vừa đạp xe vừa cười phơi phới.
- Phen này cả lớp lác mắt chứ chẳng chơi!
- Ừ, độc thế còn gì!- Thằng Hoàng quay sang nhìn cái khung, vẫn gật gù khen lấy khen để.
- Thế giờ thì sao, ai giữ, tao nhờ Bác làm rồi thì hai thằng mày một thằng giữ.
- Thế thằng Tín đi!
- Ơ, sao lại là tao?- Tôi quay sang thắc mắc với thằng Hoàng.
- Thế mày đưa lên thì ghi điểm với cô bí thư có phải sướng không?
Tôi cười nhạt trước cái sáng kiến có lòng giúp đỡ của thằng Hoàng, nhưng có lẽ là không ăn thua. Một con người kiên định, có khả năng chôn sâu nội tâm như Dung thì khó có thể lay chuyển trong ngày một ngày hai được, huống gì chỉ là ghi điểm.
- Ừ, để tao cầm cũng được, đằng nào trưa thứ bảy cũng phải sang nhà Dung làm báo tường mà!
- Sướng mày!
- Ờ, sướng lắm, sướng phát khóc!
Nhảy xuống xe thằng Nhân, một mình vác cái khung cửa mới tinh về nhà. Vẫn như thường lệ, Mẹ tôi đang chuẩn bị buổi trưa, và Ba thì vẫn đi làm chưa về.
- Vác về làm gì thế con?
- Dạ làm báo tường Mẹ, thứ bảy buổi trưa con đi làm báo tường với lớp, không ăn ở nhà nha Mẹ!- Tranh thủ có bằng chứng, tôi xin phép Mẹ tôi luôn.
- Ừ, lo mà học hành nữa đi nhé!
- Dạ!- Mừng húm, đi lên phòng cẩn thận đặt cái khung tranh cạnh bàn học, thay đồ xuống phụ Mẹ.
- À, lúc nãy có bạn gọi điện cho con!- Mẹ tôi sực nhớ ra.
- Ai hả Mẹ?
- Con gái, tên Xuyến thì phải?- Mẹ tôi nhìn tôi cười, chắc là bà đang nghĩ tới đứa con trai út đã có bạn gái thì phải mà cứ cười mãi không thôi.
Tôi chẳng để ý lắm, chạy trở ngược lại phòng, lấy cuốn sổ đã ghi chú lại số điện thoại của bà chị Nữ Tặc, bấm chắc chắn từng số trong dẫy số điện thoại. Tiếng nhạc chờ vang lên, giai điệu trong ca khúc nắng sân trường. Tiếng nhạc vang lên du dương thì dừng lại bởi một giọng nói còn du dương hơn:
- Tín hả?
- Dạ, chị gọi gì em đấy?
- Học không học, chỉ lo đi la cà thôi!- Một tràng liên thanh bắn liên tục.
Chắc là chị Xuyến cứ nghĩ lịch học của tôi là có hai tiết vào thứ năm, tầm tám giờ rưỡi sẽ ra khỏi trường nên canh thời gian gọi. Lúc đấy tôi đang cùng hai thằng bạn đi lấy khung tranh nên đương nhiên không có ở nhà rồi.
- Hì hì, thì học hành nhiều quá giải lao thôi chị!
- Học hành nhiều hay chơi nhiều, chắc lại đi với Dung chứ gì?- Chị Xuyến giọng tinh nghịch vang lên bên kia đầu dây.
- Không ạ, em đi với con trai mà?- Giọng tôi chùng xuống.
Tiếng cười bên kia cũng không còn vang lên nữa, chắc chị cũng đoán được giữa tôi và Dung có chuyện gì nên khi nhắc tới Nàng thì giọng tôi mới đượm buồn thế kia. Không khí chùng xuống là điều mà không ai muốn.
- Chị học trong đó thế nào?- Tôi mở lời hâm nóng lại cuộc nói chuyện.
- Cũng vui, quen nhiều bạn mới, nhưng thấy nhớ nhà quá!- Chị Xuyến cũng tươi cười trở lại.
- Nhớ sao chị không về chơi, lễ 20- 11 kìa?
Bình thường cứ lễ hay dịp tết là ông anh tôi thể nào cũng về, tranh thủ cơ hội về nhà được Mẹ chăm sóc nên rất siêng về, nên tôi thường nghĩ sinh viên xa nhà hay như vậy.
- Không được rồi, 20- 11 trường chị có lễ chào mừng rồi, không về được!
- Vậy à?
Hai chị em ngồi nói chuyện đủ thứ trên đời, nào là về cuộc sống sinh viên của chị Xuyến, nào là trở lại thời cấp ba của tôi, rồi qua món ăn giữa hai nơi. Đến lúc gần cúp máy, tôi mới được một phen bất ngờ.
- Sắp sinh nhật của em rồi, sắp lớn rồi đấy, ráng học hành nhé!
Tôi chưa kịp ớ lên vì bất ngờ thì chị Xuyến đã cúp máy. Vẫn cái tính một chút nghịch ngợm như thế, khiến cho nhiều lúc tôi cảm tưởng chị Xuyến chỉ ngang tuổi với tôi, hai chị em thoải mái như những người bạn đồng trang lứa.
- “Ờ hớ, sắp sinh nhật mình rồi.22- 11 đây mà”.
Dạo này đầu óc toàn bay tận chân trời nào, hết suy nghĩ lung tung rồi lại lo đến chuyện báo tường nên gần kề sinh nhật tôi cũng chẳng hay biết tới. Vậy mà chị Xuyến vẫn nhớ được ngày sinh của cậu em đã nửa năm không gặp thì cũng là điều mà tôi cảm thấy mình được quan tâm, được coi trọng. Nghe lời Mẹ và “bà chị”, ăn cơm xong nghỉ ngơi một chút là tôi cắm đầu vào học ngay, chẳng bù cho mọi ngày cứ phải câu giờ làm mấy việc vặt trước rồi mới có khí thế học hành được.
- Reng, reng!- Chiếc đồng hồ báo thức điểm bốn giờ.
Ráng làm nốt cái bài tập Toán còn dang dở, vươn vai lên vài cái, rửa mặt cho tỉnh táo rồi lại tiếp tục cuộc hành trình “học- ăn- ăn- học” như guồng quay vô tận của đời học sinh. Một tiếng sau, tôi đã yên vị ở cái góc bàn cuối quen thuộc. Lớp học hôm nay đầy đủ, không thiếu ai, cũng không ai ốm mà vắng học nữa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mở miệng ra bắt chuyện là một điều gì đó khó khăn. Cái tự trọng của con trai, một chút nản chí vì sự cố gắng mấy ngày nay đã ngăn cản tôi lại.
- Tín, sao thế?- Yên ngồi ở trên quay xuống nhìn tôi!
- Sao là sao cơ?
- Làm xong bài tập chưa mà sao ngẩn ngơ vậy!
- À, ừ….xong…xong rồi!
Yên nhìn xuống cuốn vở của tôi, bài bất đẳng thức đã được chứng minh gọn gàng và rõ ràng nên chấp nhận câu trả lời của tôi. Cô nàng có chút gì đó bần thần:
- À, lúc sáng…..à.!- Có vẻ Yên không muốn nói tiếp.
- Lúc sáng sao cơ?- Tôi càng tò mò với kiểu nói chuyện này.
- À, không….?
- Lúc sáng sao cơ?- Tôi chồm lên hỏi
- …….!
- Lúc sáng sao cơ?
Một bên kiên quyết vì chắc muốn giải thích chuyện lúc sáng, còn một bên kiên trì với kế “giả ngu” ép cung.
- Lúc sáng….à Yên định hỏi bài Hoá hôm qua thôi!
Người dịu dàng thì làm sao quen nói dối được cơ chứ? Chỉ cần nhìn kiểu ấp úng, gương mặt có chút đỏ vì bối rối, ánh mắt không dám nhìn tôi mà nhìn chăm chăm vào từng chữ cái con số trong cuốn vở đủ cho tôi biết Yên đang kiếm một cái lý do không thể nào hợp lý cho được.
- Ơ, hôm qua có bài tập à?- Gãi đầu gãi tai, lại cái kiểu giả vờ ngu ngơ.
- Ghét Tín, không thèm nói chuyện nữa!
Yên quay lên, ngồi im, không thèm quay xuống một lần nào nữa. Tôi ngồi đằng sau, ngắm nhìn mái tóc dài mượt mà chỉ cười. Một nụ cười vì cô bạn dễ thương đang ở trước mặt, tuy không nói chuyện nhưng còn hơn cả chục lời nói.
- Nè, cái đề Yên để đây, tí lấy đó nghe!- Yên không quay xuống, để cái đề trong hộc bàn của cô nàng.
- Đề Hoá cô cho về nhà đó hả?
Yên bịt tai lại, lắc lắc đầu. Còn tôi ngồi đằng sau cứ cười không thôi.
Chính vì cái kiểu lo chọc Yên mà tôi quên phéng điều cô nàng vừa dặn. Đang đạp xe tung tăng với lũ bạn về nhà, sực nhớ ra, vỗ trán cái đét.
- Chết tao!
- Sao chết?
- Thằng điên này!- Thằng Hoàng cằn nhằn khi thấy tôi quành xe đạp trở lại nhà Thầy.
- Về trước đi, tao đuổi theo sau.
Phóng hết tốc lực vào con đường hẻm nhà thầy. Buổi tối thật mát, xung quanh một màu đen yên tĩnh. Dựng xe cái chóc giữa sân, chào Thầy rồi vào lấy cuốn đề ở cái bàn thứ hai từ dưới lên. Nhanh chóng chạy trở lại xe. Ngữ Yên vẫn ở nhà Thầy, chắc là chưa về, vì chiếc xe màu tím của cô nàng vẫn dựng ở sân. Tôi vội vàng đạp mạnh pê đan mở hết tốc lực, mong đuổi kịp ba đứa bạn.
- Ào, Ào?
Cơn mưa bất chợt đổ xuống không hề có dấu hiệu báo trước, đúng chất mùa mưa Tây Nguyên, buổi sáng còn có nắng vậy mà tối mưa đột ngột. Rẽ xe vào mái hiên sau của một nhà ven đường, tôi rũ tay áo còn dính nước, tách từng trang đề thi bị nước mưa làm dính vào nhau, rũ xuống. Mưa càng lúc càng to, tiếng mưa trên đầu dội vào mái tôn kêu ầm ĩ. Nước cứ tuôn xuống trước mặt theo đường rãnh mái hiên ào ào.
- “Chờ bớt mưa rồi về cũng được”.- Tôi ôm hai tay ngang ngực, cô đơn trong cơn mưa đêm lãnh lẽo.
- “Ki..ít”.
Tiếng phanh xe vang lên, có người nữa cũng đứng trú mưa như tôi. Chiếc xe quen thuộc, dáng người quen thuộc, cái áo mưa dày được tháo ra, để lộ mái tóc dài hiền dịu.
- Ơ, Yên?
- Hì hì, Yên trú mưa mà!
Tôi chẳng muốn nói thêm, ít nhất cũng có bạn tâm sự cho bớt buồn. Chỉ hơi thắc mắc là tại sao Yên đang ở nhà Thầy lại đội mưa đi về?
- Sao Yên không về đi!
- Mưa to như này, Yên về sao được!- Cô nàng đưa tay hứng nước mưa từ mái hiên rớt xuống, kiểu nghịch mưa quen thuộc.
- Ờ ha!- Tôi ôm vai dịch khẽ sang một bên, vì cái hiên nhỏ nên chẳng đủ cho hai người. Một bên người tôi bị nước mưa tạt ướt. Chắc lũ bạn cũng đang trú mưa và chửi bới tôi ghê lắm đây.
- Đoàng…đoàng..!- Tiếng sét đột ngột vang lên, ầm ĩ, tôi khẽ giật bắn người quay sang Yên cô nàng vẫn thản nhiên hứng nước, chẳng hề bị ảnh hưởng.
- Không sợ à?
- Không, sợ gì?
- Sét đó!
- Có Tín mà sợ gì, chẳng lẽ sét đánh xuống Tín không đỡ cho Yên à?
- Không, trời kêu ai người nấy dạ, không dại gì hứng thay kẻ khác!- Tôi lại khoanh tay tựa vào tường.
- Ghê không, nhỏ mọn quá nha!
-------------------------
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.giaitri.pro. Chúc bạn có những giây phút vui vẻ.
www.giaitri.pro – Wapsite giải trí miễn phí đích thực trên di động...!
-------------------------
Ngữ Yên vừa nói vừa lấy nước hứng từ tay tạt vào người tôi trả thù. Tôi nào đưa tay che người vì nước lạnh.
- Ế, chơi tiểu nhân!
Lần này Yên cầm tay tôi kéo hẳn ra khỏi mái hiên nhỏ xíu, cơm mưa xối thẳng vào mặt, quần áo bắt đầu ướt sũng nước.
- Ơ, ướt hết rồi!- Tôi ái ngại nhìn lại hai đứa.
- Tắm mưa cho vui đi!
- Sao không tắm một mình đi, lôi tôi theo làm gì vậy cô!
- Thế có lần ai kéo Yên ra tắm mưa vậy?- Cô nàng nheo mắt và cười.
Tôi đành chịu thua cô nàng, đưa tay gạt nước mưa rơi xuống từ tóc trên khuôn mặt. Một cảm giác thoải mái, cơn mưa phần nào gột sạch đi tâm trạng ũ rủ bấy ngày nay. Vươn tay đón những hạt mưa rơi xuống. Nếu ai đó đi ngang qua chắc lại lắc đầu:
- Hai đứa này học căng thẳng quá nên điên!
Hai đứa đạp xe về dưới cơn mưa tầm tã. Thỉnh thoảng lại nhận được một ánh mắt nhìn theo và chọc quê của mấy đứa con trai. Tôi chẳng có chút gì ngại ngùng, vẫn cứ cười mãi không thôi.
Một trận tắm mưa, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới ở cái độ tuổi “hơi người lớn”, ở lứa tuổi đàn anh trong trường phổ thông. Điều mà tôi đã cho rằng không còn phù hợp với mình nữa, nhưng nó thật thú vị.
- Hắt xì, ờ tắm mưa cũng vui chớ!
CHAP 42: Nụ cười thằng con trai.
- Hắt xì!
Tôi đưa tay quệt ngang mũi, hậu quả của việc tối hôm qua tắm mưa trở về tuổi thơ là đây. Chiếc mũi đỏ ửng, hắt xì liên tục, giọng nói bắt đầu sụt sùi. Thằng Hoàng và thằng Nhân thì cứ mãi thắc :
- Tối qua mày làm gì mà ướt sũng ra thế!
- Ờ, tối qua mưa không kịp trú nên ướt hết thôi!- Tôi tỉnh bơ, lấy tay che miệng cho cơn hắt xì tiếp theo.
- Hắt xì…!
Tiếng hắt xì lại vang lên, nhưng lần này không phải phát ra từ tôi. Cả bốn đứa tôi quay mặt lại, Yên cũng đang trong tình trạng giống y chang tôi, cũng sụt sùi. Tôi ngượng đỏ mặt vì câu nói dối của mình ở trên, bởi vì thằng Nhân đen, Hoàng và Nguyệt đều nhìn tôi với ánh mắt không tin tưởng:
- Đồng bệnh tương lân!
- Dẹp đi, vô…vô tình thôi, có gì đâu mà đồng bệnh, chẳng qua là tao…!
- Tao nói thế thôi, giải thích nhiều thế nhỉ?- Thằng Hoàng tỉnh bơ, khoác vai Nhân đen đi vào lớp, nháy mắt cho Nguyệt vào chung luôn, để tôi với Ngữ Yên ở lại.
- Yên ốm à?
- Tín cũng vậy à!
- À, ừ, thì dạo này toàn đi học, chẳng có thời gian đá banh gì cả nên hơi yếu thôi!
- Hi hi, vậy là già rồi!
Hai đứa tôi cũng chẳng nói gì nhiều, bởi vì địa điểm nằm ở trung tâm hai lớp, giờ mà kéo dài câu chuyện thì thể nào thiên hạ chẳng xì xào, bàn tán soi mói nên tôi và Yên chỉ đôi ba câu rồi ai cũng trở về việc của người đó.
Những ngày cuối tuần cũng trôi qua nhanh chóng. Hầu như lớp nào cũng bắt đầu chạy việc làm báo tường, lớp tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nội dung được “hội đồng cán sự lớp” chọn ra trong buổi chiều thứ bảy. Sáng chủ nhật theo như kế hoạch chúng tôi có mặt ở nhà Dung. Xóm nhà lá đóng góp tới ba đại diện chính thức: Thằng Hà, tôi và Long con. Ngoài ra hai thành viên không thường trực là Phong Mập và Kiên cận thì cũng đến, vừa làm vai trò hoạt náo viên, vừa kiêm luôn vai trò “chân chạy việc”.
- Mua dùm tao ổ mì nha Mập!
- Sao mày không đi đi?
- Mày không thấy tao còn phải viết à, đi lẹ lên!- Tôi thừa thời cơ sai thằng bạn.
- Tiện thể Phong mua cho Dung mấy cái dạ quang hình ông trăng, chiếc lá luôn nhé.
Thằng bạn được giao việc công, mặt hầm hầm tức tối dứ dứ nắm đấm về phía tôi. Nó kéo luôn cả thằng Kiên đi theo.
- Cái khung này để tao trang trí trước nhé!
- Ừm, mày làm đi, tao có biết gì về vẽ vời đâu.
Long con cặm cụi ngồi pha màu, dán giấy, cắt giấy trang trí chiếc khung cửa sổ. Còn tờ báo tường thì Dung và tôi chịu trách nhiệm. Thằng Hải ngồi ngoài chịu trách nhiệm giám sát công trình thi công.
- Đây nè mày, chỗ này là bài này, bài của Trang ấy!
- Ừ, rồi!
- Dung viết bài thằng Hưởng vào bên kia nhé!
- “Sao mày không đi mua bánh mì luôn đi “!
Tôi lầm rầm trong bụng, được cơ hội tốt để làm lành với Dung thì nó lại xuất hiện như kì đà cản mũi, cản trở việc tôi và Dung nói chuyện. Tôi bắt đầu đặt những nét bút đầu tiên, vừa viết vừa cảm nhận về bài viết của Trang.
“ Những kỉ niệm về lớp tôi mãi khắc sâu trong tôi. Những nụ cười thân thiện của các bạn nữ, những nụ cười tinh nghịch của các bạn trai. Tất cả hoà quyện với nhau tạo nên một nụ cười đẹp nhất, nụ cười A11. Có những niềm vui, có những nỗi buồn, nhưng nụ cười ấy sẽ không bao giờ tắt, nó được tiếp thêm năng lượng bởi tình bạn, mà tình bạn thì còn mãi không thôi!”.
- Đây, bánh mì của mày!- Phong mập đập cái bánh mì vào đầu tôi!
Dung ngước lên nhìn tôi thì đã muộn, háu đói, tôi xé chiếc bánh mì ra nhai ngồm ngoàm. Bên kia thằng Long con cũng như thế, vừa ăn vừa xuýt xoa.
- Đang làm giở mà lại ăn…..!- Thằng Hải càu nhàu.
- Có thực mới vực được đạo!
- Ăn mới có sức làm chớ mày!- Tôi ú ớ, phồng má trả lời thằng bạn.
- Sao sáng không ăn trước đi?
Tôi không thèm chấp, vẫn ngồi nhai bánh mì, Dung đi từ dưới nhà lên, mang theo hai ly nước can gián.
- Thôi Hải, để hai bạn ấy ăn đi, dù sao cũng chỉ ít phút thôi mà!
Rồi Nàng quay lại nhìn hai thằng tôi, đưa mắt về hai cốc nước để trên bàn. Ăn hết cái bánh mì, hai thằng thể hiện sự cảm kích bằng cách uống một hơi hết sạch ly nước rồi bắt tay vào làm một cách tập trung hết sức.
- “Cái này nên vẽ ông sao”.
Tôi với cái bút kim tuyến ở bên cạnh, rồi đưa tay lấy cái hình ông sao dạ quang. Vô tình tay tôi chạm phải một bàn tay mềm mại. Chỉ có hai đứa tôi đang phụ trách tờ báo tường, nên tôi hiểu mình vừa chạm phải tay ai. Nhưng bàn tay ấy vẫn như vậy, không có chút gì thể hiện phản ứng của chủ nhân nó. Tôi rụt tay lại, quay sang, và hai đứa lại nhìn nhau. Có chút gì đó bối rối thoáng qua gương mặt Dung, nhưng rất nhanh, cảm xúc đó tan biến như chưa từng tồn tại.
- Làm tiếp đi Tín!
Cũng đã một tuần, tôi mới được nghe cái tên mình vang lên từ Dung. Có chút gì đó thân thương trở lại, nhưng cũng có chút xa lạ vì thời gian qua, tiếng “bạn” được sử dụng nhiều hơn. Cái chạm tay vô thức là chìa khoá mở cách cửa phòng, mà đằng sau nó là những kí ức ngủ quên chăng.
- Né ra mày, tao vẽ cái mặt cười vào đây!
- Ờ…ờ!
Thằng Long con đá đít tôi một cái rồi trổ tài nghệ sĩ của nó. Cái biểu tượng mặt cười sún răng tóc tai lởm chởm cũng phải làm Dung khẽ cười. Kiên cận nhanh tay nhảy vào phụ tô màu, còn Phong mập mù tịt nghệ thuật đứng ngoài chỉ trỏ lung tung cả lên.
- Viết tiếp đi, mặt mày cứ ngơ ngác thế!
- Ờ, thì đi ra rảnh đất tao còn viết!
Tầm mười giờ trưa, lại thêm ba bạn nữ : Trang, Ly tổ trưởng một tổ trong lớp và Nguyệt từ đâu cũng tới. Hiển nhiên Nguyệt có mặt thì phải có thêm thằng Vũ. Tay xác nách mang bao nhiêu thứ y chang tị nạn vậy:
- Ơ, mày đi đâu thế?
- Nấu ăn…!- Nó vuốt mồ hôi trên trán, bỏ cái giỏ nặng trịch toàn thức ăn xuống giữa nhà mà thở.
- Nấu ăn?- Phong Mập mặt mày giãn ra cười tươi roi rói.
- Ờ, chứ còn gì nữa, không lẽ để nhịn đói xuyên trưa mà làm!- Thằng Hải chẳng có chút gì ngạc nhiên, chắc là nó đầu têu ra vụ này.
- Thế chủ nhà chủ xị à?
Theo cách chọc thông thường của lớp tôi mở miệng một câu cảm thấy hơi lố. Tôi quên mất đang đứng ở nhà ai, ai là chủ nhà ngôi nhà chúng tôi đang có mặt. Dung vẫn trầm ngâm, chẳng để ý gì đến câu nói của tôi. Phụ mấy bạn nữ xách đồ mua về để xuống bếp.
- Không, tiền quỹ lớp!- Thằng Hải vẫn cái giọng bình thản trả lời tôi.
- Hở, thế…..?
- Yên tâm, tao xin phép Thầy rồi, hoạt động cho lớp thì trích quỹ ra thôi, đa số đều đồng ý hết rồi.
Tôi vẫn ghét cái bản tính thằng Hải lắm, nhưng về sự chu đáo trong từng công việc có lẽ thì vẫn phải phục nó một cách triệt để. So bề thì nó có vẻ còn làm tốt hơn cả với Kiên cận- Quân sư xóm nhà lá chúng tôi chứ chẳng chơi.
- Các bạn cứ làm đi nhé, mình xuống phụ các bạn khác nấu ăn!- Dung gom bút kim tuyến, dạ quang đóng nắp lại cẩn thận rồi đi xuống bếp.
Một lúc sau mùi thơm lừng khắp nhà, bụng tôi sôi òng ọc biểu tình. Đúng là toàn tuyển nữ công gia chánh chính hiệu nên chỉ cần ngửi mùi đã thấy ngon rồi. Phong mập thì chẳng chờ được, chui tọt xuống bếp. Một lúc sau tiếng hét vang lên thất thanh:
- Phong, bỏ cây chả ram xuống!
- Ơ, bỏ cái miếng trứng xuống!
Buổi trưa thịnh soạn cũng bày ra trước mặt. Chủ nhà chẳng kịp mời thì bát đũa đã thi nhau được phân công, và các máy nghiền thức ăn đã có dịp thể hiện. Phong Mập ăn lấy ăn để, thằng Vũ phồng mang trợn má nhai. Long con bé xíu mà ăn cũng như cái hạm, gắp gắp liên tục. Chỉ có tôi và thằng Hải, vì lý do và vì tính cách nên có vẻ từ tốn.
- Ơ, mày sao thế Tín?- Kiên cận nhìn tôi.
- Tín không ăn à?- Nguyệt dừng đũa nhìn tôi.
- Ờ…không, ăn chứ. Ngon mà!- Tôi đưa cơm lên miệng, làm ra vẻ tán thành.
Dung không nhìn qua, chậm rãi nhìn sang Trang và Ly cười. Cả buổi cơm chỉ là mấy lời nói chung chung:
- Ai ngại đói Dung không biết đâu nhé!
- Mọi người ăn nữa đi.
Buổi cơm kết thúc nhanh chóng, mấy thằng bạn ăn no lăn kềnh lên ghế xoa xoa cái bụng. Mặt thằng nào thằng đấy cũng thoả mãn.
- Ấy, mở nhạc nghe đi!
- Ờ, nhanh lên, mở bài nào hay hay ấy.
Chủ nhà thì đang ở dưới bếp nên khách tự nhiên như nhà của mình, lấy cái chồng đĩa trên kệ gần đó đặt vào đầu đĩa. Ca khúc Dường như ta đã vang lên, nghe thật não nề.
- “Mây buồn trôi mãi, trôi về nơi xa, mây có tiếc nuối chuyện chúng ta bao ngày qua”.
- Mở bài khác ngay thằng Mập, nghe thảm quá!- Tôi phản đối đầu tiên.
- Hay mà mày, tai trâu hay sao mà không biết nghe!
- Thằng đó không biết thưởng thức đâu.- Phong mập tranh thủ bảo vệ sự lựa chọn của nó.
Mặc cho tôi kịch liệt phản đối, nhưng số đông lấn át, thêm cái remote nằm trong tay thằng bạn, ca khúc Dường như ta đã vẫn vang lên, dường như ca khúc đó viết ra chỉ để dành cho những ai trong hoàn cảnh tôi thì phải:
- “Còn yêu nhau nữa không, trái tim em lặng câm.
Khi cất tiếng hát là nỗi đau chia lìa nhau”.
Thả lưng vào ghế dựa, ngả đầu nhìn lên trần, thả lỏng tâm trạng, cố tìm một cái gì đó cho mình tập trung, để bộ não không phải điều khiển thính giác phải tiếp nhận ngôn từ của bài hát du dương này. Vậy mà càng trốn tránh, nó lại càng lọt vào tận bên trong sâu kín nhất. Cứ mỗi câu hát vang lên, nó lại gợi lại những kỉ niệm đẹp vô tận trước kia, như một tấm gương tuyệt diệu. Và khi nó rạn vỡ, cái hụt hẫng của người từng được thấy nó hụt hẫng vô cùng.
Thở dài, nhấc người khỏi ghế, tôi đi ra ghế đá ngoài sân dưới tán cây mát rượi. Cứ ngồi đó cảm nhận vẻ yên tĩnh của buổi trưa âm u còn hơn là phải vào nhà giả cười giả nói. Chỉ khi nào trong nhà tiếp tục làm báo tường, tôi mới trở vào.
- Phong ơi, lấy cho Dung cái bút kim tuyến màu tím đi!
- Sao không bảo thằng Tín kìa, ngay dưới tay nó!
Tôi đưa cái bút sang bên gần Dung, quay lại chửi thằng bạn:
- Cu li mà ý kiến nhiều thế!
- Tao đạp mặt mày giờ chứ cu li, lo mà làm đi!
Tôi cắm cúi làm tiếp, chắc Dung sẽ ngại ngùng vì câu nói của thằng Phong cũng nên. Rõ ràng cái nắm tay lúc sáng vô tình đã trở thành phản tác dụng, khi càng ngày Dung càng có vẻ xa lánh tôi hơn. Đến một câu nhờ vả theo nghĩa bạn bè, Dung cũng không nói với tôi được.
- Xong rồi đó, mai làm tiếp buổi chiều nữa là xong!
- Ờ hớ, giờ về thôi!
- Mày xa thì về trước đi, tao ở lại phụ Dung!- Vẫn là thằng Hải chu đáo hơn cả.
Tôi lững thửng đứng dậy, khoác cái balo chéo vai, lững thững bước ra cánh cổng xanh đóng kín. Dung tất nhiên phải ra mở khoá cho tôi rồi.
- Cạch!- Tiếng ổ khoá vang lên khô rốc, tiễn biệt vị khác quen thuộc.
- Về nhé!
- Mày không chờ Nguyệt à Tín?
- Hỏi thằng Vũ ấy, nó tính đưa Nguyệt đi ăn kem nữa mà!- Tôi nói vọng vào trong với thằng Kiên cận. Tụi nó xì xào, đòi thằng Vũ phải dẫn tụi nó theo cho bằng được.
Tôi bước ra khỏi cửa, cánh cửa ấy sẽ đóng lại, không một lời tạm biệt, không còn vẻ nuối tiếc như thời gian xưa.
- Tín..!
Nhưng Dung cũng ở ngoài cánh cửa ấy, cô nàng nắm hai tay vào nhau, vẻ bối rối hiện rõ. Tôi đứng lại, chờ đợi, chờ đợi một cuộc nói chuyện, chỉ có hai người.
- Nói chuyện được không?
- Ừ, được!